Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp" - Trao cần câu hơn cho con cá

CÔNG TY CỔ PHẦN SEACONSULT
Thứ Sáu, 19/08/2022

Thực hiện Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2018 - 2025", Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) các cấp huyện Chợ Gạo đã có những hoạt động cụ thể, thiết thực, từng bước thay đổi nhận thức, khơi dậy tinh thần, tiềm năng, sức sáng tạo, giúp hội viên, phụ nữ khởi nghiệp.

Chị Nguyễn Thị Thanh Mỹ (bìa phải), ngụ thị trấn Chợ Gạo giới thiệu mẫu túi xách của gia đình cho khách hàng.

Để hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp đạt hiệu quả, năm 2019, các cấp Hội tổ chức tuyên truyền 270 cuộc với nội dung thực hiện Đề án 939 về "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2018 - 2025" có trên 10 ngàn lượt hội viên phụ nữ có nhu cầu được phổ biến kiến thức về việc làm; mở 02 lớp "Khởi sự kinh doanh" và "Kỹ năng quản lý kinh doanh cơ bản" có 30 chị tham gia. Hội LHPN cơ sở hỗ trợ vốn cho 108 hội viên có ý tưởng, kế hoạch khởi sự, khởi nghiệp kinh doanh với số tiền trên 3,7 tỷ đồng. Ngoài hỗ trợ vốn, các cấp Hội LHPN còn theo dõi, giúp đỡ 168 phụ nữ chủ hộ nghèo thoát nghèo bền vững và giúp đỡ 1.280 phụ nữ nghèo bằng hình thức hỗ trợ vốn, giới thiệu việc làm, chuyển giao khoa học kỹ thuật, khoa học công nghệ... qua đó đã hỗ trợ gần 5.000 hội viên phụ nữ với số tiền trên 105 tỷ đồng và giới thiệu 3.304 chị đi làm ở các công ty trong và ngoài huyện.

Điển hình như mô hình may túi xách của chị Nguyễn Thị Thanh Mỹ, ngụ thị trấn Chợ Gạo là một trong rất nhiều chị em hội viên còn khó khăn khác của huyện được hỗ trợ vốn từ Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp", từ nguồn vốn này đã giúp nhiều chị em vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

Nhà không đất sản xuất, thu nhập của gia đình cũng từ việc may túi xách, nên dù có khó khăn, chị Mỹ vẫn cố gắng vượt qua để có nguồn thu nhập cho gia đình. Làm quen với nghề may túi xách được trên 5 năm, chị Mỹ tự tìm tòi học hỏi cách may và nơi tiêu thụ. Tùy theo đơn khách hàng đặt may, trung bình mỗi ngày chị có nguồn thu 300.000 đồng từ việc may túi xách. Không chỉ thế, chị còn cho 8 chị em khác nhận hàng về gia công tại nhà, vừa thuận tiện chăm sóc gia đình, trung bình mỗi người có nguồn thu từ 3 đến 4 triệu mỗi tháng. Chị Nguyễn Thị Thanh Mỹ chia sẻ: "Công việc may túi xách gắn bó với tôi trên 5 năm, dù thành thạo nhưng khi có lớp khởi sự kinh doanh, tôi vẫn tham gia, vì theo tôi cần cù, chăm chỉ không chưa đủ mà phải học tập thêm kiến thức và kinh nghiệm, như vậy sẽ giúp tôi thành công hơn, mở rộng thêm nguồn khách hàng".

Cuối tháng 7/2019, xã Phú Kiết có 5 hội viên phụ nữ là hộ nghèo được hỗ trợ mô hình sinh kế cho hội viên phụ nữ nghèo khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp năm 2019, mỗi hộ được hỗ trợ 10 triệu đồng, cho vay không tính lãi. Với số tiền này, chị Huỳnh Thị Bé Tám ngụ ấp Phú Thạnh C mua thêm nghêu, ốc, rau cải... bán buổi sáng tại chợ Lương Hòa Lạc và buổi chiều tại Khu công nghiệp Tân Hương để có thêm thu nhập trang trải cho cuộc sống hàng ngày. Hay như chị Huỳnh Thị Bé cùng ngụ ấp Phú Thạnh C cũng được hỗ trợ 10 triệu đồng, số tiền này giúp chị mua sắm thêm nhiều vật dụng cần thiết cho quán nước giải khát của mình. Chị Bé cho biết: "Được hỗ trợ 10 triệu đồng tôi rất vui vì có vốn mua được cái tủ để nước, mua thêm bộ bàn ghế. Tôi thấy Đề án hỗ trợ phụ nữ vô cùng ý nghĩa, đã giúp cho tôi cùng các chị em khác còn khó khăn có nguồn vốn để đầu tư vào buôn bán".

Chị Phạm Thị Hồng Thủy cùng ngụ ấp Phú Thạnh C, xã Phú Kiết cũng là một trong 5 hội viên khó khăn của xã vừa được nhận nguồn vốn hỗ trợ mô hình sinh kế cho hội viên phụ nữ nghèo khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp năm 2019 của Hội LHPN tỉnh. Hai con nhỏ còn đang đi học, thu nhập chính của gia đình từ việc thu mua ve chai hàng ngày của chị, vì không có vốn nên cứ thu mua được ngày nào, thì chi tiêu hết ngày đó, không tích lũy được gì. Hiểu được hoàn cảnh gia đình chị, chính quyền địa phương, Hội LHPN huyện xét cho chị được nhận nguồn vốn từ mô hình sinh kế cho hội viên phụ nữ nghèo khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp năm 2019 của Hội LHPPN tỉnh. Chị Thủy chia sẻ: "Từ khi có số vốn 10 triệu đồng, tôi có thể mua ve chai nhiều hơn, vài ngày đi giao một lần đỡ tốn công, tốn thời gian mà còn có thêm chút lãi".

Chị Phạm Thị Hồng Thủy, ngụ ấp Phú Thạnh C, xã Phú Kiết đang đi thu mua ve chai.

Bà Dương Hiền Huệ, Chủ tịch Hội LHPN huyện Chợ Gạo cho biết: "Bên cạnh thuận lợi, thì phong trào phụ nữ khởi nghiệp trên địa bàn huyện vẫn còn nhiều khó khăn. Các mô hình khởi nghiệp còn ít, lại chủ yếu đều ở giai đoạn mới, nhỏ lẻ. Trong thời gian tới, Hội LHPN huyện sẽ tiếp tục khảo sát, lựa chọn đối tượng để tham gia lớp khởi sự kinh doanh, quản lý kinh doanh và có hỗ trợ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh; đào tạo nghề và giải quyết việc làm. Đặc biệt, quan tâm đối với hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn có ý chí tiếp cận thị trường, ưu tiên cho các mô hình kinh tế tập thể, hộ kinh doanh có ý tưởng sáng tạo hiệu quả, hộ tham gia vào các ngành nghề tạo ra sản phẩm chủ lực của địa phương.

Ý tưởng khởi nghiệp dù lớn hay nhỏ đều đáng quý, cho thấy sự năng động, sức sáng tạo, khát vọng vươn lên của chị em phụ nữ, câu chuyện khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh trong thời đại ngày nay càng thêm ý nghĩa.

Viết bình luận của bạn
Thu gọn